Những Điểm mới của Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính
Những Điểm mới của Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính
Ngày 06/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2021/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP, ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Nghị định 107/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/12/2021 với 05 điểm mới so với Nghị định 61/2018/NĐ-CP như sau:
1. Quy định về việc gắn số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC với quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC
- Cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, giải quyết, trả kết quả giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại trụ sở Bộ phận Một cửa và tại cơ quan có thẩm quyền không được yêu cầu cung cấp lại thông tin, giấy tờ, tài liệu điện tử hoặc đã được số hóa có giá trị pháp lý theo quy định của pháp luật, được kết nối, chia sẻ dữ liệu trong quá trình tiếp nhận, giải quyết (Điều 5).
- Bổ sung cho Bộ phận Một cửa thêm nhiệm vụ số hóa hồ sơ thủ tục hành chính (Điều 8).
- Tạo cơ chế để bộ, ngành, địa phương linh hoạt trong sử dụng nhân lực của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích thực hiện nhiệm vụ khi được giao đảm nhận một hoặc một số công việc trong quá trình hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (Khoản 6 Điều 10).
- Về chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết: Bổ sung quy định cán bộ công chức viên chức Bộ phận Một cửa chuyển dữ liệu hồ sơ điện tử được tiếp nhận trực tuyến của tổ chức, cá nhân hoặc hồ sơ giấy đã được số hóa đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết trên Hệ thống thông tin một cử điện tử cấp bộ, cấp tỉnh (Khoản 1 Điều 18).
- Lưu trữ kết quả giải quyết TTHC: Bổ sung quy định về kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân được lưu trữ tại Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh để phục vụ việc tích hợp, chia sẻ, tra cứu thông tin, dữ liệu, sử dụng để thực hiện các TTHC khác theo quy định của pháp luật (Khoản 5 Điều 20).
- Bổ sung quy định cụ thể về trình tự, cách thức thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trong tiếp nhận, giải quyết TTHC (Điều 21a).
- Sửa đổi, bổ sung quy định về phương thức nộp phí, lệ phí trực tuyến (Điều 22).
- Bổ sung trách nhiệm của Văn phòng Chính phủ trong việc ban hành danh mục dữ liệu dùng chung phục vụ giải quyết TTHC trên Cổng dịch vụ công quốc gia được kết nối, chia sẻ với Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh (Điều 24).
- Sửa đổi, bổ sung các quy định về xây dựng Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh để đáp ứng yêu cầu đổi mới (Điều 25).
2. Về tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính
- Bổ sung khái niệm về thực hiện TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính (Khoản 8 Điều 3).
- Giao quyền chủ động cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định tổ chức triển khai tiếp nhận, giải quyết hồ sơ và trả kết quả TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính (Khoản 10 Điều 35).
- Giao quyền chủ động cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh quyết định tiếp nhận TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính tại Bộ phận Một cửa các cấp thuộc phạm vi quản lý (Khoản 6 Điều 14).
3. Quy định nhằm tăng cường phân cấp, tạo sự chủ động, linh hoạt cho Bộ, ngành, địa phương
- Về tổ chức Bộ phận Một cửa:
+ Tại cấp Bộ: Căn cứ số lượng TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, tần suất tiếp nhận hồ sơ và tình hình bố trí trụ sở, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định thành lập Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả (điểm a Khoản 1 Điều 7).
+ Bổ sung quy định Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế và năng lực của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích quyết định việc thực hiện cơ chế giao doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích đảm nhận một hoặc một số công việc trong quá trình hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (Khoản 7 Điều 7).
+ Bổ sung quy định: Các trường hợp khác được thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để tạo sự chủ động linh hoạt trong trường hợp có mô hình mới, cách làm hay mà Nghị định chưa quy định (Khoản 7 Điều 7).
- Về trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương: Sửa đổi quy định theo hướng giao quyền cho Bộ, ngành, địa phương trên cơ sở đánh giá thực tế điều kiện, quy mô, số lượng hồ sơ tiếp nhận, giải quyết TTHC để bố trí trụ sở, trang thiết bị, con người cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn và yêu cầu quản lý nhà nước (ddierm b Khoản 2 Điều 13).
4. Về ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) trong thực hiện TTHC
- Bổ sung quy định: Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh phải được xây dựng tập trung, thống nhất, tạo thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh để tiếp nhận, giải quyết, theo dõi, đánh giá chất lượng thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các cấp (Khoản 1 Điều 25).
- Sửa đổi, bổ sung yêu cầu đối với Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh: Bảo đảm khả năng tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để truy xuất dữ liệu TTHC, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ việc giải quyết TTHC của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh (điểm b Khoản 2 Điều 25).
- Bổ sung quy trình điện tử, quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC (Khoản 5, 11 Điều 35; Khoản 4 Điều 36).
5. Về giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết TTHC
Bổ sung quy định về tích hợp, triển khai hệ thống đánh giá chất lượng giải quyết TTHC của Cổng dịch vụ công quốc gia phục vụ theo dõi, giám sát, đánh giá, chỉ đạo, điều hành chất lượng giải quyết TTHC bằng dữ liệu theo thời gian thực:
- Quy định về kết nối, chia sẻ danh mục dữ liệu dùng chung phục vụ việc giải quyết TTHC giữa Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa cấp bộ, cấp tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia (Khoản 4 Điều 24).
- Quy định về việc theo dõi, đánh giá chất lượng thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến (Khoản 1 Điều 25).
- Quy định trách nhiệm của Văn phòng Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh trong việc tổng hợp kết quả đánh giá từ phần mềm; tích hợp kết quả đánh giá với hệ thống đánh giá chất lượng giải quyết TTHC của Cổng dịch vụ công quốc gia phục vụ chỉ đạo, điều hành chất lượng giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công theo thời gian thực; công khai kết quả đánh giá nội bộ trên Trang thông tin điện tử của Bộ, ngành, địa phương và Cổng dịch vụ công quốc gia.